- 기본
- 더 크게
Cam miệng ở trẻ em là một trong những bệnh lý xuất hiện phổ biến, gây đau nhức và khó chịu. Nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng khi nhận thấy những dấu hiệu cam miệng ở trẻ. Nên tìm hiểu đúng nguyên nhân cũng như có phương pháp can thiệp nhanh chóng nhất.
Bệnh cam miệng ở trẻ em là gì?
Cam miệng ở trẻ em là bệnh nguy hiểm, thường xuất hiện ở những trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trong giai đoạn sơ sinh và dưới 1 tuổi. Bệnh sẽ gây nên những tổn thương bên ngoài da, biểu hiện là lở loét, hoại tử xuất hiện trong khoang miệng.
cam miệng ở trẻ em gây khó khăn cho quá trình ăn nhai và sinh hoạt.
Biểu hiện cụ thể chính là tình trạng trẻ em đau, lở loét vùng miệng, nướu bị sưng đỏ và có chảy nước dãi nhiều hơn bình thường. Thêm vào đó, trẻ sẽ bị sốt nhẹ, xuất hiện các biến chứng nặng như tiêu chảy, nôn trớ, gây suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu trẻ bị bệnh cam miệng
Mặc dù hiện nay bệnh cam ở trẻ ít phổ biến hơn do điều kiện sống được nâng cao. Phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn về vệ sinh và dinh dưỡng, nhưng vẫn cần biết cách nhận biết sớm để tránh tình trạng bệnh kéo dài và gây suy dinh dưỡng cho trẻ.
- Xuất hiện một lớp màng trắng trên lưỡi và miệng có mùi hôi.
- Sưng phồng, tấy đỏ và chảy máu ở vùng nướu, lợi.
- Bạn có thể thấy trẻ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường.
- Trẻ thường phát sốt vào buổi tối, đặc biệt sau khi mọc răng. Điều này có thể khiến trẻ khó chịu và thường xuyên quấy khóc.
- Xuất hiện các vết lở loét trên niêm mạc miệng, gây ra đau và khó chịu.
- Trẻ biếng ăn gây sụt cân, ốm sốt và tiêu hoá kém gây táo bón.
- Vì cam miệng gây đau và khó chịu trong miệng, đi ngủ trẻ có xu hướng nằm sấp để giảm đau.
Nguyên nhân xuất hiện bệnh cam miệng ở trẻ
Bệnh cam ở miệng trẻ nhỏ là một bệnh lý nguy hiểm và phổ biến, và không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh này mà bố mẹ cần biết:
- Do vi khuẩn tấn công: Vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu quanh miệng, gây viêm nhiễm và hình thành mủ. Quá trình tuần hoàn máu bị cản trở, gây hoại tử các mô bào trong miệng.
- Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách: Trẻ nhỏ chưa thể tự vệ sinh răng miệng một cách hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ hoặc giám sát của phụ huynh. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại sinh sôi và gây tổn thương mô mềm, gây đau nhức miệng và xuất hiện cam miệng.
- Tác động từ bên ngoài: Tác động của các vật cứng, vật nhọn có thể gây tổn thương niêm mạc lợi, gây sưng viêm và làm cho vi khuẩn tấn công.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Một số trường hợp tự ý mua thuốc kháng sinh khi trẻ bị cúm mà không có đơn của bác sĩ cũng có thể làm cho tình trạng viêm trầm trọng hơn, gây tổn thương đường tiêu hóa và dẫn đến bệnh cam.
- Liên quan từ các bệnh hô hấp: Cam miệng ở trẻ em cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh liên quan đến hệ hô hấp như viêm mũi, viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản,..
- Ăn thức ăn quá nóng: Ăn thức ăn nóng có thể gây phỏng niêm mạc miệng. Nếu các vết thương không được làm sạch đúng cách có thể lở loét và dẫn đến cam miệng.
- Do các bệnh khác: Bệnh cam ở miệng trẻ cũng có thể xảy ra khi trẻ bị sốt cúm, nhiễm virus, sởi, tay chân miệng, thuỷ đậu.
Cách điều trị bệnh cam miệng cho trẻ
Bệnh cam miệng ở trẻ em cần được chẩn đoán và điều trị một cách cẩn thận theo phác đồ do bác sĩ đưa ra. Do đó cần được đưa tới bệnh viện sớm để được xử lý triệt để. Ngoài tuân thủ các hướng dẫn điều trị được từ bác sĩ, phụ huynh cần thực hiện những biện pháp vệ sinh răng miệng và xây dựng khẩu phần ăn khoa học để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Đồng thời, bố mẹ cần lưu ý không mua các loại thuốc bôi gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng để chữa bệnh cho con. Điều này rất nguy hiểm, vì đã có nhiều trường hợp trẻ sử dụng thuốc cam gia truyền gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng như nôn trớ, tiêu chảy, co giật. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện, các trường hợp này đã được chẩn đoán là bị ngộ độc chì nặng và gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
Đây là những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ phải nhớ rằng không nên tin tưởng vào các loại thuốc bôi gia truyền mà không có cơ sở khoa học và không được các chuyên gia y tế kiểm chứng. Thay vào đó, hãy đưa con đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị bằng những phương pháp y tế an toàn và hiệu quả.
Trẻ bị cam miệng bao lâu thì khỏi
Thời gian để trẻ khỏi cam miệng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và cơ địa của trẻ. Thông thường, cam miệng sau khi được điều trị sẽ khỏi trong khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng hơn hoặc nếu trẻ có hệ miễn dịch yếu, thời gian để hồi phục có thể kéo dài.
Nếu trẻ có cam miệng kéo dài hoặc triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến và có sự hỗ trợ từ bác sĩ để đảm bảo điều trị đúng cách và kịp thời.
Lưu ý về cách chăm sóc và điều trị trẻ bị cam miệng
Bên cạnh đó, cần thực hiện những biện pháp bổ sung chất khoáng và dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.Trong quá trình điều trị, để giúp trẻ khỏi cam miệng nhanh chóng, bố mẹ hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây:
- Tránh cho trẻ ăn các món ăn cay nóng để không bị phỏng miệng và gây kích ứng thêm cho vùng niêm mạc mỏng manh.
- Hạn chế đồ ăn có nhiều đường và muối.
- Thay vào đó, bổ sung vitamin và chất xơ từ rau củ, trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng và cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh đột ngột.
- Đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe kịp thời.
- Cam miệng ở trẻ em không nên tự ý mua thuốc để điều trị. Hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ và mua thuốc theo đúng liều lượng được kê đơn.
Một số câu hỏi liên quan
Khi điều trị cam miệng ở trẻ em, cần chú ý đến chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm chứa vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục, một số câu hỏi mà phụ huynh thường thắc mắc dưới đây sẽ được bác sĩ giải đáp.
Trẻ bị cam miệng kiêng ăn gì?
Khi bị cam miệng, bố mẹ chú ý không cho bé ăn các thực phẩm cay nóng như mì cay, lẩu. Thực phẩm chứa nhiều axit cũng cần được hạn chế, bao gồm các loại trái cây như cam, chanh, quýt và các món muối chua. Ngoài ra, cần kiêng các món chiên xào có nhiều dầu mỡ và thực phẩm chứa nhiều đường, vì có thể làm cho các vết loét trong miệng trở nên nặng và khó lành hơn.
Trẻ bị cam miệng có nên dùng thuốc Nam?
Bệnh cam miệng ở trẻ em có thể được điều trị bằng thuốc Nam. Tuy nhiên cũng khá rủi ro khi đã có nhiều trường hợp mua phải thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng về tính an toàn và hiệu quả. Hậu quả, trẻ bị nôn trớ, tiêu chảy, co giật dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn là bị ngộ độc chì và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan.
Vì vậy, cha mẹ không nên đặt niềm tin vào các loại thuốc không đáng tin và sử dụng thuốc nam một cách bừa bãi. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện Đông y để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp và an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Cam miệng ở trẻ em không hiếm gặp, tưởng chừng không nguy hiểm nhưng thực chất lại gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, hãy ghi nhớ những thông tin trong bài viết để đưa ra hướng giải quyết cũng như phòng bệnh cho trẻ tốt nhất.
기사에 대한 댓글