- 默认
- 大
Thay răng ở trẻ là một quy luật tự nhiên mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Vậy khi đến giai đoạn này, bố mẹ cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây Kiến thức răng miệng sẽ mách mẹ những thông tin quan trọng khi chăm sóc bé trong quá trình mọc răng, cùng tìm hiểu để giúp răng của bé đều đẹp trong tương lai!
Trẻ lên mấy tuổi bắt đầu thay răng?
Trẻ thường bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn vào khoảng 6-7 tuổi. Quá trình thay răng này kéo dài suốt nhiều năm và hoàn thành khi trẻ khoảng 12-13 tuổi. Tuy nhiên, thời gian này có thể biến động tùy thuộc vào từng cá nhân. Ngoài ra, các bé gái thường có xu hướng thay răng sớm hơn bé nam.
Quá trình và thứ tự thay răng vĩnh viễn của trẻ
Thứ tự thay răng sẽ tương tự như lúc bé mọc răng sữa, chiếc răng nào mọc trước sẽ rụng trước. Do đó, các mẹ cần theo dõi quá trình mọc răng và ghi nhớ thứ tự mọc để có thể giúp bé xử lý những chiếc răng rung nhanh nhất.
Đối với hàm trên, thứ tự thay răng ở trẻ là: răng cửa giữa, răng cửa bên, răng tiền cối, răng nanh, răng cối sữa 1 và cuối cùng là răng cối sữa 2. Với hàm dưới, thứ tự thay răng bắt đầu từ răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, rồi đến răng cối sữa 1 và răng cối sữa 2.
Thời gian từ lúc răng lung lay tới lúc rụng sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại răng như vị trí mọc và chân răng. Nếu răng một chân thì khoảng thời gian đó kéo dài khoảng vài tuần, nhưng nếu nhiều chân như răng cối thì có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng. Bên cạnh đó, răng mọc đúng vị trí thì thời gian thay răng ở trẻ cũng sẽ nhanh hơn so với răng mọc chen lấn.
Các mẹ có thể tham khảo lịch thay răng cho trẻ ở dưới đây để có thể chủ động hơn trong chăm sóc sức khỏe răng miệng của con:
- Trẻ từ 6 – 7 tuổi: Thay 2 răng cửa giữa ở hàm trên và hàm dưới.
- Trẻ từ 7 – 8 tuổi: Thay 2 răng cửa hàm trên và hàm dưới.
- Trẻ từ 9 – 11 tuổi: Thay 2 răng hàm thứ nhất của cả hàm dưới và trên.
- Trẻ từ 10 – 12 tuổi: Thay 2 răng nanh ở hàm trên và dưới.
- Trẻ từ 9 – 12 tuổi: Thay răng nanh ở hàm dưới.
Đây là độ tuổi tiêu chuẩn để thay răng, tuy nhiên nó cũng sẽ được thay đổi đối với một số bé. Có thể bé thay răng sớm hơn, nhưng cũng có thể muộn hơn nhưng các mẹ vẫn có thể dựa vào lịch này để nắm bắt tình hình răng miệng của bé.
Xem thêm: Bé mọc răng hàm trong bao lâu?
Những dấu hiệu thay răng ở trẻ và có nên nhổ tại nhà không?
Khi răng bị lung lay là dấu hiệu cho thấy trẻ đang trong giai đoạn thay răng sữa. Thông thường với những trường hợp này chỉ cần một tác động nhẹ cũng làm răng bị rụng. Khi đó, bố mẹ có thể dễ dàng giúp bé nhổ răng sữa tại nhà.
Tuy nhiên, nếu răng lung lay mà không rụng thì cần xử lý theo cách sau:
- Đưa bé tới nha khoa để bác sĩ xác định tình trạng của răng và đưa ra phương án cụ thể cho bé. Nếu răng vĩnh viễn mọc lên khi răng sữa vẫn ở đó thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ hoặc mài răng sữa bên cạnh để răng vĩnh viễn có đủ không gian để mọc lên.
- Tránh sử dụng chỉ để nhổ răng cho bé. Việc làm này dễ gây chảy máu nướu răng và tạo vết thương hở làm vi khuẩn dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng.
- Với những trường hợp răng sữa của bé đã rụng lâu mà răng vĩnh viễn vẫn chưa mọc thì mẹ cũng cần đưa bé tới nha khoa để kiểm tra.
Bố mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng răng của con trong giai đoạn này, không nên tự ý nhổ quá sớm hoặc nhổ quá muộn để trong tương lai con có hàm răng chắc khỏe và đều đẹp.
Biện pháp xử lý khi trẻ thay răng muộn
Giai đoạn thay răng ở trẻ kéo dài quá lâu sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn. Từ đó, dẫn tới tình trạng răng vĩnh viễn lách sang hướng khác để mọc lên, làm mọc lộn xộn và gây mất thẩm mỹ.
Nếu răng sữa đã quá tuổi thay mà không có dấu hiệu lung lay thì các mẹ nên đưa bé tới gặp nha sĩ ngay. Bác sĩ chỉ cần quan sát biểu hiện của nướu là có thể chẩn đoán răng đang mọc hay chưa mọc. Với những trường hợp phức tạp, bác sĩ cũng cần sự hỗ trợ của máy chụp X-quang để xác định được sự hiện diện của mầm răng vĩnh viễn.
Khi biết được tình trạng răng và nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn chưa mọc, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng của bé. Hãy theo dõi quá trình bé mọc răng, thay răng ở trẻ để dễ dàng và thuận tiện xử lý mọi tình huống xảy ra, giúp hàm răng bé mọc lên đều và đẹp.
Đọc thêm: Răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc phải làm sao?
Thay răng ở trẻ cần lưu ý gì khi chăm sóc?
Trong quá trình thay răng sữa ở trẻ sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra, bố mẹ cần biết cách chăm sóc đúng để bảo vệ sức khỏe răng miệng và giúp bé có hàm răng đều đẹp trong tương lai.
Vệ sinh răng miệng đúng cách và cẩn thận
Tập cho bé thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày, hướng dẫn bé đánh răng đúng cách, không để bé đánh theo bản năng. Bên cạnh đó, cho bé dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để làm sạch các mảng bám thức ăn thừa dính lại trên kẽ răng. Từ đó giúp phòng ngừa các bệnh lý về nướu trong quá trình bé mọc răng sữa.
Thăm khám nha khoa định kỳ
Đây là điều mà các mẹ cần lưu ý và không được quên. Cần lên lịch đưa bé đi khám bác sĩ nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/1 lần để kiểm tra tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ. Bên cạnh đó, khi trẻ có dấu hiệu răng lung lay, mẹ nên đưa bé tới nha khoa để bác sĩ chỉ định có nên nhổ răng hay không.
Áp dụng phương pháp giảm đau phù hợp
Thông thường, trong giai đoạn thay răng ở trẻ sẽ kèm theo những cơn đau nhức. Lúc này, để giúp bé giảm đau, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp chườm đá lạnh hoặc cho bé sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cho bé uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm, loãng, bởi vì lúc này, bé sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống.
Hạn chế ăn thực phẩm không tốt cho răng
Hạn chế cho bé uống những loại thức uống có hại tới men răng như: nước có gas, đồ uống nhiều đường,….Và không cho bé ăn đồ ăn cứng hoặc quá nóng, quá lạnh để bảo vệ răng của bé luôn chắc khỏe.
Giúp bé loại bỏ thói quen xấu
Với những thói quen xấu như nghiến răng, mút tay, đẩy lưỡi ra phía trước,…. có thể khiến răng của bé mọc hô, mọc chen chúc không đều,… nguy hiểm hơn là gây viêm nướu. Do đó, bố mẹ cần hạn chế thói quen xấu này của bé.
Bố mẹ hãy ghi nhớ những thông tin này để giúp sức khỏe răng miệng của con mình tốt nhất sau quá trình thay răng nhé.
Với những thông tin về thay răng ở trẻ được chúng tôi chia sẻ trong bài viết trên đây, hy vọng giúp bố mẹ chăm sóc sức khỏe răng miệng của con mình tốt hơn. Ngoài ra, nếu còn thắc mắc, liên hệ với Nha Khoa Shark để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
对文章发表评论