- 默认
- 大
Khoang miệng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong cơ thể con người, vì đây là nơi bắt đầu của hệ tiêu hóa. Khoang miệng thường xuyên tiếp xúc với thực phẩm và không khí, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về khoang miệng, mời bạn theo dõi bài viết sau đây. Nha khoa Shark sẽ chia sẻ cụ thể về cấu tạo khoang miệng cùng với vị trí và chức năng.
Các bộ phận chính trong cấu tạo khoang miệng
Để dễ hình dung, khoang miệng chính là bộ phận nằm ở nửa dưới khuôn mặt, tức là ở giữa mũi và cằm.
Thực chất, khoang miệng chính là một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa và hệ hô hấp, chức năng chính là hỗ trợ con người ăn nhai, nói chuyện và thở.
Xét về cấu tạo, khoang miệng sẽ được tạo thành bởi các bộ phận sau đây: Môi, má, đáy hành lang, răng, nướu, xương ổ răng, vòm miệng, lưỡi, sàn miệng, tuyến nước bọt, hệ thống bạch huyết,…
Môi
Trong cấu tạo khoang miệng, môi chính là bộ phận dễ thấy nhất. Môi sẽ được cấu thành bởi các sợi cơ nằm rải rác và có khả năng đàn hồi.
Trong đó, môi gồm có các mô đàn hồi, mô tuyến và chứa nhiều dây thần kinh cảm giác.
Môi của con người gồm có môi trên và môi dưới, 2 phần môi giao nhau ở 2 bên góc miệng. Tại điểm giao nhau giữa 2 bờ môi sẽ có một nét gấp mỏng, điểm này được gọi là khóe miệng (hoặc là khóe mép).
Vị trí của khóe miệng sẽ tương ứng với vị trí của răng nanh bên trong hàm răng.
Về đặc điểm vùng da ở môi, bộ phận này sẽ có sự chuyển tiếp giữa vùng da bên ngoài và vùng da niêm mạc. Điểm chuyển tiếp thường được gọi là vành môi và có màu đỏ. Đi về phía trung tâm vành môi sẽ có một điểm phồng lên được gọi là củ môi.
Tại củ môi sẽ có một phần rãnh rộng và nông nối tiếp lên thẳng đáy mũi, điểm này được gọi là nhân trung. Ở trung tâm của vành môi dưới sẽ có một số trường hợp có rãnh mờ, và đây được gọi là rãnh môi cằm.
Má
Má chính là bộ phận quan trọng tiếp theo trong cấu tạo khoang miệng. Bên ngoài má sẽ được bao bọc bởi một lớp da, và ở bên trong là lớp niêm mạc má.
Riêng về phần niêm mạc má sẽ khá trơn nhẵn và thường có màu hồng nhạt. Ở phía trên và dưới của bộ phận này có những nét gấp lại, tiếp giáp với xương ổ răng để tạo thành một đáy hành lang miệng ở phía sau. Nối tiếp bộ phận niêm mạc má chính là niêm mạc môi.
Một điểm đặc biệt của niêm mạc má chính là ở bên trên bề mặt có hiện lên một đường trắng. Đường trắng này hình thành do sự in dấu của các mặt nhai vẫn răng cối (còn gọi là răng hàm). Chúng ta còn có thể gọi đường trắng này là đường nhai.
Ở mặt sau của vùng niêm mạc má sẽ tương ứng với cổ chân răng số 6 hàm trên. Tại đây có một nốt nhỏ sẽ được gọi là gai mang tai. Hoặc cũng có thể gọi là gai ống Stenon, do là nơi ống Stenon mở ra trong miệng.
Đáy hành lang
Đáy hành lang cũng là một trong những bộ phận thuộc cấu tạo khoang miệng. Đây thực chất là nếp gấp niêm mạc nối tiếp với niêm mạc xương ổ răng ở môi.
Nếp gấp này được xác định khỏi đường giữa của hàm răng trên và hàm răng dưới.
Đặc điểm của đáy hành lang là một nếp gấp khá mỏng, có dạng như hình lưỡi liềm. Chúng ta còn có thể gọi bộ phận này là thắng môi. Trong đó, thắng môi ở môi trên sẽ dày và to hơn so với thắng môi ở môi dưới.
Ở vị trí răng nanh và răng cối nhỏ ở 2 hàm răng cũng có nét gấp tương tự. Nếp gấp này được gọi là thắng bên. Trong đó, thắng bên ở hàm dưới sẽ to và dày hơn so với thắng bên ở hàm trên.
Răng
Răng là bộ phận quan trọng trong cấu tạo khoang miệng, không thể không nhắc đến. Chân răng là bộ phận nằm sâu bên trong xương ổ răng, sẽ được bảo vệ bởi hệ thống dây chằng nha chu và cố định rất chắc chắn.
Xét về cấu tạo, răng của con người sẽ bao gồm 3 phần chính: Chân răng, thân răng và cổ răng. Xét về cấu trúc, răng cũng được chia làm 3 lớp riêng biệt: Men răng, ngà răng và tủy răng. Cấu tạo và cấu trúc của răng vĩnh viễn và răng sữa sẽ tương đồng với nhau.
Con người sẽ trải qua 2 lần mọc răng. Lần thứ nhất, mọc răng sữa khi đủ từ 6-10 tháng tuổi. Lần thứ 2, mọc răng vĩnh viễn khi đủ 5-6 tuổi.
Bộ răng sữa sẽ bao gồm 20 chiếc, và bộ răng vĩnh viễn sẽ bao gồm 32 chiếc (tính cả răng khôn mọc lên từ độ tuổi 18-25).
Tất cả 20 chiếc răng sữa của con người được chia đều cho cả hàm trên và hàm dưới. Mỗi hàm sẽ bao gồm: 8 răng cửa, 4 răng nanh và 8 răng hàm.
Tương tự, 32 chiếc răng vĩnh viễn cũng chia đều cho 2 hàm răng, mỗi hàm bao gồm: 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm nhỏ và 12 răng hàm lớn.
Nướu
Nướu cũng là một bộ phận thuộc cấu tạo khoang miệng có vai trò rất quan trọng. Đây là lớp niêm mạc miệng được bao bọc bởi xương ổ răng và bao quanh vùng cổ răng.
Nướu khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt và lấm tấm một vài điểm màu da cam. Nướu răng của con người được chia làm 2 phần chính: Ở bên ngoài được gọi là nướu viền và ở bên trong được gọi là nước dính.
Xương ổ răng
Bộ phận tiếp đến trong cấu tạo khoang miệng chính là xương ổ răng. Bộ phận này thường có màu đỏ sẫm, cấu tạo khá mịn và mỏng.
Xương ổ răng sẽ ôm sát vào những đường lồi lõm của răng để tạo nên bề mặt trơn láng. Đặc điểm đặc biệt của xương ổ răng là có khả năng di động.
Vòm miệng
Trong cấu tạo khoang miệng, vòm miệng còn được gọi là khẩu cái. Bộ phận này có dáng vòng cung và có lớp niêm mạc bao phủ xung quanh. Vòm miệng sẽ được chia thành vòm cứng và vòm mềm.
- Vòm cứng
Vòm cứng thuộc vị trí tấm ngang xương khẩu cái. Đặc điểm của bộ phận này là có màu hồng nhạt, tính chất khá dày và cứng, bám chắc vào bề mặt xương.
Vị trí ở giữa phía sau 2 chiếc răng cửa giữa sẽ có một u thịt, điểm này được gọi là gai cửa (hoặc còn gọi là gai khẩu).
Bắt đầu từ gai cửa sẽ có một nếp gấp niêm mạc thấp, đường này hẹp và kéo dài, được gọi là đường đan giữa khẩu cái. Tiếp tục từ đường này sẽ có các nếp gấp ngang, nếp gấp này được gọi là vân khẩu cái.
Khi chú ý quan sát kỹ, bạn sẽ phát hiện những lỗ li ti như bọng nước ở trên niêm mạc khẩu. Đây thực chất là lỗ của các ống dẫn tuyến nước bọt phụ khẩu cái.
- Vòm mềm
Vòm mềm thuộc vị trí màng khẩu cái. Đặc điểm là có màu đỏ sậm, tính chất mềm và mỏng, ở giữa đường tiếp giáp với vòm cứng. Ở trung tâm của bộ phận này chính là bờ tự do với hình dạng lưỡi gà.
Ờ phía trước vòm mềm là cung khẩu lưỡi và ở phía sau là cung khẩu hầu. Ở giữa 2 phần trụ này sẽ có một móc hình tam giác bên trong có chứa hạch.
Đi xuống đoạn giữa màn hẫu và 2 trụ hầu sẽ có eo hầu, đây là điểm giúp khoang miệng thông với khẩu hầu.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh khô miệng ở người cao tuổi
Lưỡi
Lưỡi là bộ phận rất quen thuộc trong khoang miệng, đồng thời cũng là bộ phận không thể thiếu trong cấu tạo khoang miệng.
Lưỡi thực ra là một khối cơ vân có khả năng một di động. Lưỡi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt và bao phủ bên ngoài bởi một lớp niêm mạc sần sùi. Trên bề mặt của lưới có rất nhiều các gai vị giác.
Ở trên lưng lưỡi sẽ bao gồm 3 gai vị giác, cụ thể là:
- Gai chỉ, là dạng gai nhỏ, dáng mỏng, trông giống như những sợi chỉ màu trắng.
- Gai nấm, là dạng gai có dáng tròn và màu đỏ, xuất hiện xen kẽ với gai chỉ.
- Gai lá, là dạng gai nằm ở sâu 2 bên bờ lưỡi, chúng tạo ra những nếp gấp song song nhau trên bề mặt lưỡi.
Ở trên niêm mạc lưỡi sẽ có chứa Lympho, hoặc còn được gọi là Amidan lưỡi. Phía bên dưới lưỡi là 1 lớp niêm mạc mỏng bao quanh, tại đường giữa của lưỡi tồn tại 1 nếp gấp niêm mạc nối liền với sàn miệng, vị trí này còn được gọi là thắng lưỡi.
Khi quan sát kỹ phần thắng lưỡi, bạn sẽ nhận thấy có 2 u thịt và chỗ nếp gấp niêm mạc mỏng độn cao lên nhờ cơ cằm. Ở 2 bên dưới của lưỡi còn có hệ thống các tĩnh mạch có hình dáng ngoằn ngoèo rất đặc biệt.
Sàn miệng
Sàn miệng cũng là 1 bộ phận quan trọng trong cấu tạo khoang miệng. Bạn còn có thể gọi sàn miệng là rãnh dưới lưỡi. Đây là bộ phận có hình dáng giống như chiếc móng ngựa, có vị trí ở đầu lưỡi trước và 2 bên đáy lưỡi.
Ở đường giữa của sàn miệng là thắng lưỡi, ở 2 bên thắng lưỡi là vị trí của tuyến dưới lưỡi, bộ phận này sẽ nhô lên và tạo thành 2 dãy lưỡi dưới.
Phần dãy dưới của lưỡi có bao gồm các ống dẫn phụ, chúng ta gọi đây là ống Rivinus trong miệng.
Ở dưới cũng của dãy dưới lưỡi, cụ thể là tại vị trí sàn miệng nối với thắng lưỡi là các gai nhỏ. Các gai này còn có tên gọi khác là gai dưới lưỡi.
Các nhà nghiên cứu kết luận, đây chính là vị trí ống Wharton của tuyến dưới hàm và ống Bartholin của tuyến dưới lưỡi mở ra trong khoang miệng.
Tuyến nước bọt
Bộ phận quan trọng kế tiếp trong cấu tạo khoang miệng chính là tuyến nước bọt. Có thể bạn chưa biết, tuyến nước bọt chính là nơi sản sinh ra 0,5-1,4 lít nước bọt trong 1 ngày.
Bên trong tuyến nước bọt có chứa các Enzym li ti, vai trò chính là giữ ẩm cho khoang miệng, mang lại hỗ trợ tích cực cho quá trình nuốt và tiêu hóa thức ăn.
Tuyến nước bọt của con người được chia thành 3 loại:
- Tuyến nước bọt nhỏ nhất là tuyến dưới lưỡi. Vị trí của tuyến này nằm trên cơ hoành và ở dưới lưỡi. Bên trong tuyến dưới lưỡi bao gồm các tuyến nước bọt hỗn hợp khác. Các ống nhỏ ở dưới lưỡi bắt nguồn từ phần trước của tuyến này và kết thúc ở điểm cuối dưới lưỡi. Ở dạng tuyến nước bọt này, các ống dẫn bên dưới lưỡi nối với sàn miệng thường có chiều dài tương đối ngắn.
- Tuyến dưới hàm là dạng tuyến nước bọt hỗn hợp. Ống tiết nước bọt trong tuyến này được gọi là Wharton. Vị trí của tuyến dưới hàm nằm ở giữa 2 cơ bên, thuộc vùng tam giác bên dưới hàm.
- Tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể người là tuyến mang tai. Đây chính là tuyến tiết thanh dịch, vị trí nằm ở dưới ống tai dài và giữa xương hàm dưới. Ống tiết nước bọt trong tuyến này được gọi là Stenon, có vị trí tương ứng với răng số 6 hàm trên. Ống Stenon chạy dọc theo mặt ngoài cơ cắn và dần vào trong má.
Hệ thống bạch huyết
Hệ thống bạch huyết chính là bộ phận cuối cùng trong cấu tạo khoang miệng mà chúng ta cần nhắc đến. Bộ phận này có chức năng chính là nhận dạng các loại vi sinh có hại và ngăn chặn chúng tấn công vào các cơ quan trong cơ thể.
Vì trong quá trình hô hấp và ăn uống, vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội để xâm nhập và gây bệnh, hệ thống bạch huyết là 1 dạng đề kháng, bảo vệ cơ thể tránh khỏi các tác nhân gây hại.
Hệ thống bạch huyết sẽ bao gồm các mô bạch huyết ở dạng Amidan, hoặc còn gọi là vòng Amidan Waldeyer. Trong đó, vòng Amidan Waldeyer sẽ bao gồm: Amidan dưới góc lưỡi, Amidan khẩu cái, Amidan ống quanh lỗ miệng và Amidan ở vùng họng.
Vị trí cụ thể của khoang miệng
Ngoài tìm hiểu các thông tin liên quan về cấu tạo khoang miệng, bạn còn cần biết cách xác định vị trí của khoang miệng.
Cụ thể, khoang miệng sẽ được tính từ điểm ở dưới mũi và sẽ giới hạn bằng những bộ phận sau đây:
- Phần trước và trên ở miệng, gồm môi, má và khẩu cái.
- Phần dưới ở miệng là sàn miệng.
- Phần sau ở miệng là yết hầu.
Ở mặt trước của miệng được gọi là khóe miệng. Đằng sau miệng sẽ thông với hầu họng bởi phần eo hầu họng. Bộ phận này được bao quanh bởi 1 lớp vòm miệng mềm cùng với vòm hầu.
Nếu xét theo khung xương, khoang miệng chính là điểm gắn kết của xương hàm trên, xương thái dương cùng với xương khẩu cái. Riêng với chỗ xương bướm và xương móng sẽ là bộ phận tách biệt so với những phần xương này.
Cấu tạo khoang miệng được chia thành 2 phần riêng biệt bởi cung răng:
- Ngoài cung răng được gọi là hành lang miệng, bạn cũng có thể gọi là tiền đình miệng.
- Trong cung răng được gọi là xong miệng chính.
Khoang miệng chính là bộ phận chứa nhiều tuyến nước bọt chính của cơ thể. Các tuyến nước bọt này nằm rải rác khắp khoang miệng, đặc biệt là ở phần mang tai, dưới hàm và dưới lưỡi. Tuyến nước bọt sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn thông qua cơ chế tiết ra Enzym để phân hủy Carbohydrate trong thực phẩm.
Sơ lược về các chức năng của khoang miệng
Song song tìm hiểu về cấu tạo khoang miệng và chức năng khoang miệng sẽ mang đến cho bạn góc nhìn toàn diện hơn về bộ phận quan trọng này của cơ thể.
Thực chất, khoang miệng không chỉ tham gia vào quá trình tiêu hóa hay hỗ trợ phát âm, mà khoang miệng còn có vai trò quan trọng đối với hoạt động hô hấp, hỗ trợ thăng bằng và dẫn lưu xoang.
Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khía cạnh này.
Hỗ trợ quá trình tiêu hóa
Khoang miệng chính là bộ phận đầu tiên của hệ thống tiêu hóa. Tất cả các bộ phận trong cấu tạo khoang miệng đều đảm nhiệm những vai trò riêng trong việc hỗ trợ ăn nhai và tiêu hóa thức ăn.
Nhờ đó, cơ thể có thể tăng cường tiếp thu các nguồn dưỡng chất thiết yếu.
Môi và má trong khoang miệng sẽ giữ cho thức ăn không bị rơi ra ngoài. Lưỡi là bộ phận giúp cho con người cảm nhận mùi vị của thức ăn.
Ngoài ra, lưỡi còn có khả năng chuyển động linh hoạt để xáo trộn thức ăn, loại bỏ những khối thức ăn mà con người không thể tiêu hóa.
Enzim trong tuyến nước bọt có chức năng chuyển hóa Carbohydrate trong thức ăn thành đường. Răng là bộ phận thuốc cấu tạo khoang miệng có chức năng nhai và nghiền nát thức ăn.
Răng của con người được chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm 1 nhiệm vụ: Răng cửa dùng để cắn thức ăn, răng nanh dùng để xé thức ăn và răng hàm dùng để nghiền thức ăn.
Hỗ trợ khả năng phát âm
Khoang miệng cũng là bộ phận hỗ trợ chính trong quá trình phát âm của con người. Phát âm thực chất là 1 loạt các tác động phức tạp và cần được thực hiện theo thứ tự.
Khi không khí đi qua dây thanh âm trong thanh quản sẽ làm cho hệ thống dây này rung lên, chính cơ chế này tạo ra âm thanh khi chúng ta nói chuyện. Đặc điểm của âm thanh sẽ thay đổi tùy vào độ kín của các dây thanh âm và lực khi thoát ra.
Sau khi thoát ra khỏi thanh quản, âm thanh sẽ được định hình bởi chuyển động của môi và lưỡi. Các bộ phận khác trong cấu tạo khoang miệng như: Vòm cứng, vòm mềm, mũi,… cũng tham gia vào hoạt động phát âm của con người.
Hỗ trợ hoạt động hô hấp
Hoạt động hô hấp không chỉ có mũi và phổi tham gia, mà còn phải phụ thuộc vào vòm miệng trên. Sự phát triển của xương hàm có tốt hay không cũng tham gia vào quá trình này. Ở một số trường hợp, nếu bạn gặp khó khăn trong việc thở bằng mũi thì khoang miệng sẽ hỗ trợ bạn trong 1 khoảng thời gian, bạn có thể thở bằng miệng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, thở bằng miệng thường xuyên sẽ không được khuyến khích. Vì điều này có thể gây khô miệng, tăng nguy cơ bị viêm họng, viêm Amidan,…
Hỗ trợ thăng bằng, thính giác và thị giác
Nếu như xương hàm, lưỡi, hoặc hệ thống thần kinh ở răng hàm mặt gặp vấn đề sẽ tạo áp lực rất lớn lên nhãn cầu và các cơ hỗ trợ liên quan.
Đây chính là nguyên nhân làm cho bạn có cảm giác bị mất thăng bằng, hoạt động của nhãn cầu và tai cũng trở nên kém hơn so với trước đó.
Dẫn lưu xoang
Dẫn lưu xoang chính là chức năng tiếp theo của các bộ phận của thuộc cấu tạo khoang miệng. Vị trí của vòm miệng sẽ mang tính chất quyết định tới quá trình dẫn lưu xoang, nếu vòm miệng không phát triển đúng vị trí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình này.
Một số bệnh lý thường gặp trong khoang miệng
Dựa vào những thông tin về cấu tạo khoang miệng, bạn có thể thấy rằng đây chính là điểm tiếp xúc đầu tiên với các nguồn thực phẩm và luồng không khí. Hoạt động ăn nhai và hô hấp thường ngày có thể làm cho khoang miệng trở thành nơi trú ngụ của hàng nghìn loại hại khuẩn.
Vì vậy, nếu khoang miệng không được chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ mắc phải các bệnh lý sau đây:
- Rộp môi: Đây là bệnh lý do vi khuẩn Herpes Simplex (HSV) gây ra. Tình trạng này thường xảy ra sau khi bạn bị ốm dậy hoặc lúc sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm.
- Tưa lưỡi: Là bệnh lý do nấm Candida gây ra. Chứng tưa lưỡi đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi khi có hệ miễn dịch yếu ớt, hoặc thường xuyên dùng thuốc có chứa Corticoid.
- Loét miệng: Là bệnh lý trong khoang miệng xảy ra do bị nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề về tâm lý. Trong thời gian đầu, các vết loét sẽ xuất hiện ở lưỡi, nướu hoặc niêm mạc má.
- Viêm lưỡi bản đồ: Là tình trạng bị viêm niêm mạc lưỡi làm cho những nhú lưỡi nhỏ bị rụng, cuối cùng là hình thành các vết ban đỏ trên lưỡi.
- Sâu răng: Là bệnh lý xảy ra do sự tấn công và phá hủy men răng của vi khuẩn. Nếu không chữa sâu răng sớm, bạn có thể bị viêm tủy răng, thậm chí là mất răng vĩnh viễn.
Hướng dẫn cách chăm sóc khoang miệng đúng cách
Như vậy, cấu tạo khoang miệng không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của mỗi con người.
Để không phải đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm trong khoang miệng, bạn cần biết cách chăm sóc khoang miệng hợp theo khoa học.
Tiếp theo là 1 số gợi ý hữu ích nha khoa Shark dành cho bạn:
- Giữ tần suất đánh răng từ 2-3 lần/ngày.
- Chải răng bằng bàn chải có lông mềm mảnh, tuyệt đối không sử dụng chung bàn chải đánh răng với người khác để tránh nhiễm chéo vi khuẩn.
- Nên sử dụng loại kem đánh răng có chứa hàm lượng Fluor thích hợp cho từng độ tuổi.
- Ngoài đánh răng, bạn còn cần sử dụng thêm chỉ nha khoa, máy tăm nước, súc súc miệng, nước muối sinh lý,… để làm tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng.
- Bác sĩ khuyến khích bạn sử dụng thêm bàn chải lưỡi để vệ sinh lưỡi hàng ngày.
- Hãy tuân thủ lịch khám răng định kỳ 3-6 tháng 1 lần để bác sĩ theo dõi sức khỏe khoang miệng của bạn thật sát sao. Nếu phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời.
- Các bộ phận trong khoang miệng rất dễ bị tổn thương, vì vậy bạn cần hạn chế các thực phẩm quá cứng hoặc quá dai để hạn chế tạo áp lực lên các bộ phận này.
- Bạn cần hạn chế thói quen uống nhiều cà phê và hút thuốc lá thường xuyên, vì nhóm chất kích thích này rất có hại với các bộ phận trong khoang miệng.
- Hãy uống 2 lít nước mỗi ngày để tránh làm cho khoang miệng bị khô, tránh gây đau rát và hôi miệng.
Bài viết vừa chia sẻ đã gửi đến bạn những thông tin cơ bản về cấu tạo khoang miệng và các chức năng tương ứng. Có thể thấy, khoang miệng là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể con người, đảm nhiệm vai trò ăn nhai, hỗ trợ khả năng hô hấp cho đến phát âm,…
Do đó, bạn cần chú trọng việc bảo vệ sức khỏe khoang miệng của bản thân. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về cách thực hiện, hãy liên hệ với nha khoa Shark để được hỗ trợ tận tình.
对文章发表评论